Tây Ban Nha vào tới chung kết và vô địch được xem là một bất ngờ. Nhưng đó là trên giấy tờ. Còn thực tế thì với những gì đã thể hiện, “La Roja” tỏ ra xứng đáng tới từng milimét. Cũng như đội tuyển nam, các cô gái của HLV Jorge Vilda đặc biệt giỏi kiểm soát bóng. Họ là đội có tỉ lệ kiểm soát trung bình cao nhất giải, lên tới hơn 70%. Ngôi sao sáng nhất của họ, Aitana Bonmati, cũng lập kỷ lục về số đường chuyền xuyên tuyến tại giải (44), qua đó giành Quả bóng Vàng xứng đáng.
Bonmati không phải ngôi sao duy nhất của Tây Ban Nha nhận danh hiệu cá nhân. Đồng đội trẻ của cô, Salma Paralluelo, cũng nhận giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải sau những gì đã thể hiện, đặc biệt ở các trận knock-out. Paralluelo là người đã ghi những bàn thắng quan trọng cho La Roja sau khi vào sân từ ghế dự bị ở các trận thuộc vòng 1/8 và bán kết. Cô cũng là cầu thủ có số pha qua người nhiều nhất giải (22).
Thủ môn thường không phải là vị trí nổi bật nhất trong đội hình một ứng viên vô địch. Nhưng điều này không đúng với Mary Earps của đội tuyển Anh. Thủ môn 30 tuổi đã được bầu chọn là Thủ môn xuất sắc nhất giải, qua những màn trình diễn ấn tượng, trong đó có trận chung kết, nơi cô cản phá thành công một quả penalty. Earps cũng đứng thứ hai về số trận sạch lưới (3), và thứ ba về chỉ số cản phá bàn thắng kỳ vọng.
Cả hai đội bóng vào chung kết đều là những chuyên gia kiểm soát bóng. Nhưng để thành công ở World Cup nữ thì không nhất thiết phải giữ bóng quá nhiều, và Nhật Bản chính là đại diện tiêu biểu cho phong cách này. Họ đã thắng Tây Ban Nha – đội sau đó giành chức vô địch, tới 4-0 mà chỉ kiểm soát có 23% thời lượng bóng lăn.
Lần đầu tiên trong lịch sử châu Phi có tới ba đại diện ở vòng knock-out, gồm Nam Phi, Morocco và Nigeria. Trong đó, Nam Phi và Morocco là những đội lần đầu tiên làm được điều này. Với ba đại diện, châu Phi chỉ kém châu Âu (8 đội) về số lượng ở vòng 16 đội.