Ở cuộc đối đầu với U23 UAE, các tuyển thủ trẻ của Việt Nam đã chơi khá tốt trong hiệp 1 và hạn chế được rất nhiều pha tấn công nguy hiểm đến từ đội bóng Tây Á. Làm được điều ấy là do các cầu thủ của chúng ta vẫn còn thể lực, nên chơi đúng ý đồ chiến thuật do ban huấn luyện đề ra. Tuy nhiên, hiệp 2 khi sức đã dần đuối, những điểm yếu liền lộ ra để các đối thủ khai thác. Đặc biệt chúng ta gần như thua trắng trong những pha tranh chấp mang tính đấu tay đôi, nên đã bị U23 UAE tận dụng để ghi liền 4 bàn.
Cần nói thêm, ở trận đấu với U23 UAE, các tuyển thủ U23 Việt Nam đã chơi tự tin hơn và không ngại ăn miếng trả miếng với đối thủ khi có cơ hội, đấy là điểm khác biệt rất lớn so với trận đầu ra quân gặp U23 Iraq. Tuy nhiên, khi chơi hay hơn, U23 Việt Nam lại thua đậm hơn và điều này đã làm nhiều người hâm mộ cảm thấy không hài lòng. Thậm chí họ đã bắt đầu so sánh với các đời HLV trước, đặc biệt là ông Park Hang Seo, để nghi ngờ về năng lực của tân HLV Philippe Troussier.
Qua 2 trận giao hữu của U23 Việt Nam, chúng ta phải hiểu, các học trò của ông Troussier đang được VFF tạo điều kiện để cọ xát ở một giải đấu thuộc loại mạnh nhất với những hảo thủ hàng đầu như U23 UAE, U23 Hàn Quốc, U23 Thái Lan, U23 Kuwait, U23 Iraq, U23 Oman, U23 Saudi Arabia, U23 Qatar, U23 Kyrgyzstan. Vì thế, kết quả của U23 Việt Nam có ra sao ở giải giao hữu này không phải là điều quan trọng, do mục tiêu chúng ta nhắm tới là những giải đấu chính thức.
Bên cạnh đó, các tuyển thủ U23 Việt Nam đang trong quá trình tập nặng với những bài kỹ chiến thuật do nhà cầm quân này để ra, nhằm thử nghiệm và xoay tua cầu thủ hòng tìm ra một đội hình tốt nhất cho những mục tiêu sắp tới, đặc biệt là SEA Games 32 vào tháng 5. Vì vậy, chẳng thể đòi hỏi những cầu thủ đang được thử nghiệm có thể thi đấu với thể trạng tốt nhất trước các đối thủ hàng đầu châu lục.
Ngoài ra, thể hình của các cầu thủ U23 Việt Nam lần này không quá nổi trội, vì vậy bài toán thể lực đang là một câu hỏi khó cho HLV Troussier. Nói thế, vì ở hiệp 2 trong cuộc đối đầu với U23 UAE, hầu hết các cầu thủ trẻ của Việt Nam đều thể hiện sự đuối sức và đã bị đối thủ khai thác. Thêm vào đó, các cầu thủ U23 Việt Nam hiện cũng ít được các CLB sử dụng, nên bản lĩnh và kinh nghiệm thực chiến là điều mà những gương mặt trẻ này đang rất thiếu.
Tuy nhiên, từ việc phải gần như hướng dẫn các tuyển thủ lại từ đầu để làm quen với triết lý bóng đá mới của HLV Troussier, giới chuyên môn lại nhận ra, chúng ta vẫn đang thiếu một kiến trúc sư trưởng hay nói đúng hơn là một giám đốc kỹ thuật thực thụ để xây dựng một giáo án đồng bộ cho bóng đá Việt Nam từ các lứa tuổi trẻ đến cấp độ đội tuyển. Vì vậy, cứ mỗi đời HLV là các đội tuyển Việt Nam lại phải loay hoay với những triết lý bóng đá mới do họ đề ra. Thế mới có chuyện sau “triều đại” Park Hang Seo, giờ U23 Việt Nam và cả ĐTQG gần như phải “xây lại”, vì dấu ấn của nhà cầm quân người Hàn Quốc đã để lại rất sâu sau 5 năm.
Phải nói rõ, bóng đá Việt Nam vẫn có giám đốc kỹ thuật, nhưng gần như chưa có tiếng nói chung với HLV trưởng ở các đội tuyển, nên cứ mỗi đời HLV lại phải xây dựng một lối đá riêng. Cứ nhìn bóng đá Thái Lan suốt nhiều năm qua, họ đã xây dựng lối chơi ban bật nhỏ và được giữ suốt từ nhiều năm qua ở mọi cấp độ đội tuyển, nên các tuyển thủ của họ chẳng phải mất nhiều thời gian để làm quen và học lối chơi mới mỗi khi thay tướng.